Đôi điều cần lưu ý khi bị xử phạt lỗi “sai làn”

0
1526

LƯU Ý QUAN TRỌNG: Đến 1/11/2016, QCVN 41:2016 có hiệu lực thì những căn cứ trong bài viết này (dựa trên QCVN 41:2012) có thể không còn hiệu lực; Bài viết này có thể không còn chính xác nữa nên mọi người lưu ý tham gia giao thông đúng luật, không dựa vào bài viết này để tranh luận nữa.

Mr. Đốp

Tham gia giao thông ở Hà Nội, ad rất bức xúc khi nhiều trường hợp người dân không vi phạm Luật mà CSGT dựa vào sự thiếu hiểu biết của đa số người dân để dọa nạt, không lỗi thành có lỗi, lỗi nhỏ thành lỗi to. Điển hình trong thời gian qua là lỗi “sai làn”. Như vậy, khi nào bị lỗi “sai làn”? Ad tạm tổng hợp thông tin chính như sau:

I. Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường:

Ở những ngã 3, ngã 4 các dòng phương tiện được phân làn rẻ phải, rẽ trái và đi thẳng để tránh xung đột giao thông bằng vạch kẻ đường + mũi tên chỉ hướng đi trên mỗi làn đường và biển báo 411

Biển số 411 “Hướng đi trên mỗi làn đường theo vạch kẻ đường”

Vạch số 1.18: 

Ví dụ bạn rẽ trái mà lại đi vào làn có mũi tên đi thẳng thì gọi là: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Lưu ý, biển 411 phải có vạch 1.18 ở dưới thì mới hiệu lực. Hoặc nếu chỉ có riêng vạch 1.18 thì vẫn hiệu lực. Còn trường hợp có biển 411 mà không có vạch 1.18 thì biển đó không hiệu lực bởi biển 411 là biển chỉ dẫn, không thể làm căn cứ xử phạt.

*Tóm lại, tại nơi giao nhau mà đi sai hướng mũi tên chỉ trên làn đường mình đi trước đó thì dính lỗi nhẹ tiền

II. Lỗi “Sai làn”.

Khi trên mặt đường phân chia thành nhiều làn được phân biệt bằng vạch kẻ đường, mỗi làn chỉ cho 1 số loại phương tiện giao thông nhất định đi trên đó. Ví dụ: Làn dành riêng cho ô tô con, làn dành riêng cho ô tô tải, làn dành riêng cho xe máy… Và quan trọng là biển báo hiệu “đường dành riêng” như hình dưới đây:

Biển 412 (a,b,c,d) “Làn đường dành riêng cho từng loại xe”

Hoặc các biển báo được mô tả “…. đường dành cho …..” như các biển:

Ví dụ nếu bạn đi ô tô mà đi vào làn xe máy thì như vậy mới gọi là sai làn.

* Tóm lại, đi vào làn đường dành riêng cho loại phương tiện khác HOẶC đi vào làn đường ngược chiều thì sẽ bị lỗi “sai làn

Cần phân biệt rõ hai lỗi này bởi mức phạt chênh nhau rất lớn

– Lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”

mô tô: 70.000

ô tô: 150.000

– Lỗi “Sai làn”: “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố”

mô tô: 300.000

ô tô: 1.000.000, tước GPLX 1 tháng

Như vậy, khi bị CSGT dừng xe và thông báo lỗi “sai làn’ thì bạn cần kiểm tra lại xem trước đó có biển 412, 411, mũi tên chỉ hướng trên đường (vạch 1.18) hay không. Nếu có vạch 1.18 mà mình đi sai hướng => lỗi “không chấp hành vạch”; Nếu có 412 (hoặc đi qua làn đường ngược chiều) => sai làn.

CSGT thường hay dọa lỗi “sai làn” với mức phạt nặng hơn để người vi phạm “sợ” mà “50-50”, CSGT có tiền đút túi. Nhưng rõ ràng, nếu bạn đi mô tô mà không biết luật, bị dọa “sai làn” bèn 50-50 với CSGT thì sẽ mất 150.000 vào túi bọn tham nhũng, trong khi mức phạt thực tế đúng lỗi “không chấp hành…” chỉ có 70.000 đóng góp cho ngân sách quốc gia.

Nhiều nơi có đèn mũi tên cho phép rẽ phải/trái khi đèn đỏ, trên đường không có biển 411, 412, vạch 1.18 nhưng CSGT vẫn cứ chỉ lên đèn mũi tên (hoặc vạch sọc hình quả trám ở một làn nào đó) nói rằng “làn này dành cho xe rẽ phải/trái” như vậy là sai, và đây là điều Ad đang rất bức xúc hiện nay nên cũng muốn nhấn mạnh một chút.

Ví dụ như trong ảnh dưới đây mô tả việc dừng vào làn rẽ phải trên đường Xã Đàn, khi DỪNG xe trên làn có mũi tên rẽ phải như trong ảnh thì CHƯA vi phạm gì (vì vạch 1.18 quy định hướng đi tại nơi giao nhau). Nhưng sau đó ai đi thẳng sang Hoàng Cầu (mà không rẽ phải về Tôn Đức Thắng/Khâm Thiên) sẽ dễ bị CSGT đứng bên kia “hốt”, và lỗi này là lỗi “Không tuân thủ…” chứ không phải lỗi “sai làn” nhé.

Ví dụ tiếp tại ngã tư Bạch Mai – Minh Khai – Đại La

Như trong ảnh, ta thấy hai làn đường, phía bên ô tô đứng và phía bên xe máy đứng được phân chia bằng vạch liền. Phía trước có đèn mũi tên cho phép rẽ trái và đèn tín hiệu chính. Trước đó không hề có biển 411, 412, vạch 1.18. Như vậy khi đèn xanh, ta có thể đi thẳng từ vị trí người chụp ảnh (làn bên trái). CSGT thường chặn bắt các xe đi thẳng từ làn này và xử phạt lỗi “sai làn”, lấy lý do rằng đèn mũi tên rẽ trái treo ở kia quy định xe đi làn bên trái đó chỉ được rẽ trái. Như vậy hoàn toàn sai, và có nhiều người “cứng luật” đã tranh luận và chiến thắng CSGT trong trường hợp này.

Tại ngã tư Tôn Đức Thắng – Quốc Tử Giám – Cát Linh cũng tương tự, đường phân 3 làn, dưới lòng đường không có vạch 1.18, trước đó không có biển 411, thế mà sáng nay ad đi đường đấy thấy CSGT chặn bắt 2 cô gái đi trên Quốc Tử Giám, từ làn giữa rẽ trái về Tôn Đức Thắng bị CSGT bắt và lý luận rằng muốn rẽ trái (có đèn mũi tên rẽ trái) phải đi vào làn sát bên trái. Ngày trước ad cũng bị dừng xe tương tự nhưng sau khi nghe ad lập luận rằng “không có biển bốn một một, không có vạch một – mười tám” thì CSGT có vẻ chột dạ và lấy cớ kiểm tra giấy tờ rồi cho ad đi ngay :v.

Ngoài ra, những vị trí “được phép rẽ phải khi đèn đỏ” thường có vạch sọc chéo ở dưới nền đường, vạch này (dù vẽ sai quy chuẩn) mang ý nghĩa cấm các phương tiện dừng tuy nhiên không có tác dụng phân làn

* Lưu ý: Trường hợp có vạch mắt võng nhưng không có biển phụ “đèn đỏ được phép rẽ phải” hoặc không bật xanh đèn phụ mũi tên rẽ phải thì các bạn phải dừng lại trên vạch mắt võng này. Vì theo quy định, đèn tín hiệu có hiệu lực cao hơn vạch kẻ đường nên “vạch cấm dừng” mà “đèn cấm đi” thì ta phải dừng theo đèn.

Ad lấy ví dụ báo hiệu giao thông tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu  như sau:

Phía trước đó không có biển 411, 412, dưới mặt đường không có vạch 1.18. Như vậy trong trường hợp đèn đi thẳng đã xanh, bạn hoàn toàn có thể đi thẳng (không rẽ phải đi Bà Triệu) trên làn có sọc chéo đó. Và các xe rẽ phải cũng không bắt buộc phải đi vào khu vực vạch mắt võng đó. Vạch kẻ kiểu mắt võng chỉ có tác dụng cấm phương tiện dừng đỗ trên nó (đi chậm vẫn được) chứ không có tác dụng phân làn đường. Trường hợp bạn đi thẳng mà DỪNG chờ đèn đỏ trên vạch đó sẽ bị lỗi “không tuân thủ…” (vì vạch cấm dừng mà ta lại dừng).

Tuy nhiên các bạn không nên đi/dừng trong khu vực này khi không rẽ phải để khỏi gây xung đột giao thông cho các phương tiện rẽ phải.

Còn như tại Ô Chợ Dừa hướng từ Nguyễn Lương Bằng đi Khâm Thiên trước đó có biển 411, trên các làn đường tại đó có vẽ mũi tên chỉ hướng đi trên từng làn nên các xe phải đi vào khu vực vạch mắt võng để rẽ phải về Khâm Thiên (các bạn nhìn rõ vạch 1.18 hình mũi tên chỉ cho phép rẽ phải trên làn sọc chéo đó). Khi đường đông rất khó để các xe rẽ phải về Khâm Thiên đi vào cái vạch chéo này nên rất nhiều tài xế rẽ về Khâm Thiên tại làn giữa có mũi tên đi thẳng để rồi bị bắt ở bên Khâm Thiên và bị dọa lỗi “sai làn” mặc dù lỗi này chính xác chỉ là lỗi “không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường” (mũi tên đi thẳng ở làn giữa nói rằng rằng chỉ được đi thẳng về Tôn Đức Thắng mà các bác lại rẽ phải về Khâm Thiên => không tuân thủ vạch kẻ đường 1.18)

Lỗi “sai làn” ad thấy ở Hà Nội gặp rất nhiều nên sẽ “đính” nó lên đây để mọi người cùng tham khảo nhé. Và khi đến điểm giao cắt, mọi người cùng nên tránh dừng tại những làn đường có vạch chỉ hướng mà mình không theo.

Mong mọi người tham gia giao thông tỉnh táo.

Bài viết có tham khảo bài và ảnh của một số thành viên trên diễn đàn otofun.net.

Quy định về biển báo hiệu, vạch kẻ đường được trích từ QCVN 41:2012/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ

Mr. Đốp