[WALL OF TEXT]

0
1037

 

#Triết_học #Tâm_lý_học #Kiến_thức_tâm_lý_học

Ask: Tại sao một chiếc bát từng đựng phân rửa sạch rồi cũng chẳng ai dùng nó để ăn cơm nữa cả, trong khi họ lại rửa sạch đoạn ruột già từng chứa phân trong thời gian dài rồi ăn vậy?

Qua câu hỏi này, tôi muốn học hỏi thêm về phép biện chứng cùng kiến thức về tâm lý học. Tôi nghĩ đây là một ví dụ rất hay.
Mong mọi người đừng lái qua việc bát rửa sạch rồi vẫn có thể dùng, thiểu số không thể đại diện cho đại đa số được. Câu trả lời mà tôi muốn nhận được ở đây, ấy là nó sẽ trả lời cho câu hỏi “Tại sao lại có tâm lý như vậy?” chứ chẳng phải “Bát rửa sạch rồi còn dùng được nữa không?”
Nói xa xôi hơn thì tại sao con người lại ghét phân, ghét từ khi nào, tâm lý chán ghét ấy lại có từ khi nào?
_____________

1. [+119803 likes]
Hôm nay đi ăn lòng với bà xã, lúc nhìn thấy miếng lòng trong bát, tự dưng tôi lại nhớ đến Ask này.

Thế rồi tôi bắt đầu buổi biểu diễn của mình, tôi kể cho nàng nghe vụ bát đựng phân và ruột đựng phân, có lỡ mồm đá luôn qua cụm từ “hiệu ứng mỏ neo” (Anchoring effect: Khi phán đoán về một người hay một chuyện nào đó, bạn sẽ dễ dàng chịu sự tác động bởi ấn tượng đầu tiên hoặc tin tức đầu tiên mà bạn biết được, hệt như chiếc mỏ neo chìm vào đáy biển vậy, chiếc “mỏ neo” trong tâm trí bạn sẽ ghim tư tưởng của bạn ở một vị trí cố định) mà tôi học lỏm từ câu trả lời của mọi người, còn nhắc đến cái suy nghĩ “bát đựng phân như gái kiên trinh không giữ được tiết hạnh, ruột già rửa sạch rồi như trai hư biết quay đầu làm lại” gì gì đó, để “lên mặt” với nàng rằng tư tưởng của tôi có chiều sâu lắm.

Nhưng ai ngờ được đâu, cái tư tưởng sâu sắc kia của tôi chẳng thể thuyết phục được bà xã, một xíu cũng không luôn. Sau khi thong thả ăn hết một đĩa lòng, nàng thẳng thừng phản bác quan điểm của tôi, như mọi khi, nàng bảo mấy lời tôi nói chẳng khác đánh rắm là bao.

Nàng lại gắp một xâu lòng lên, chỉ vào nó rồi nói: “Tại sao chúng ta biết thừa nó từng chứa phân nhưng vẫn bỏ công bỏ sức rửa sạch, khử mùi rồi chế biến thành món ăn?

Bởi vì nó ngon chứ sao, nên ăn cũng đáng mà.

Tại sao chẳng ai dùng cái bát từng đựng phân nữa? Bởi vì giờ bát rẻ lắm rẻ vừa, 10 nghìn, 20 nghìn một cái, vứt đi cũng chẳng ảnh hưởng gì. Giờ thay vào đấy bằng một thứ gì đó đắt hơn xem, đồng hồ các thứ chẳng hạn, rơi vào bồn cầu rồi, mình vẫn móc lên dùng tiếp ấy thôi.

Bày đặt gái kiên trinh không giữ tiết hạnh với chả trai hư biết quay đầu làm lại. Hừ, nếu giờ trong xóm có mỗi một thím gái, đống còn lại toàn trai ế, thì ai thèm để ý thím ấy có giữ tiết hạnh hay không đâu, hết đám này rồi đám khác tự dâng lên tận cửa ấy chứ. Nếu ông trai hư kia chỉ là thằng hàng xóm đầu trộm đuôi cướp, giờ ông ấy có quay đầu làm lại đi nữa thì ai thèm ngó nào?”

Rồi nàng đưa ra kết luận cuối cùng: “Chỉ cần bạn có thế mạnh riêng của mình thì cho dù có xíu thói hư tật xấu đi nữa, mọi người vẫn sẽ nghĩ cách tha thứ bạn, giúp bạn sửa chữa. Nhưng nếu bạn là một thứ dễ dàng bị thay thế, vậy bạn chỉ có thể tự cầu nguyện cho chính mình không dính phải chút sai sót nào cả.”

Như mọi khi, tôi thua trong phút chốc, vội vàng câm họng cúi đầu ăn mì…

> [+27540 likes] Cá nhân tôi thấy đây là câu trả lời hay nhất luôn. Lấy được người con gái như vậy là may mắn của anh.
> [+14941 likes] Há há, quả trả lời này chân thực quá cơ, không màu mè hoa lá hẹ.
> [+12294 likes] Giờ đổi bát sứ thành bát vàng xem, vẫn cho ra kết luận như vậy.
>> [+3899 likes] Tôi không vứt bát vàng nhưng chẳng dùng để ăn cơm nữa đâu. Dù sao thì giá trị của bát vàng vượt qua giá trị sử dụng của nó nhiều lắm, bát bình thường chỉ có giá trị sử dụng thôi.
>>> [+1685 likes] Tay dính cut rồi chẳng lẽ chặt à?
>> [+956 likes] Bát vàng từng đựng cut cũng có đầy người mua nhé.
___________________

2. [+71200 likes]
Nếu một cô sinh viên tối tranh thủ đi bán d âm, bạn sẽ cảm thấy cô ta sa ngã, truỵ lạc.
Nếu một cô ca-ve đi học đại học lúc không tiếp khách, bạn sẽ cảm thấy cô ta biết phấn đấu, vươn lên.

Nếu một tín đồ đạo Cơ đốc ngày nào cũng say ngất ngưởng lúc làm lễ cúng, bạn sẽ cảm thấy anh ta vi phạm đạo luật.
Nếu một kẻ bợm rượu đến nhà thờ cúng bái vớ vẩn, bạn sẽ cảm thấy anh ta chân thành.

Người tốt phải trải qua chín chín tám mốt kiếp nạn mới tu thành chính quả.
Người xấu chỉ cần buông bỏ đao đồ tể là có thể thành Phật ngay tức thì.

Bát từng đựng phân, lại không thể đựng thức ăn được nữa.
Nhưng thức ăn (ruột già) từng chứa phân, lại có thể ăn.

Nếu xét trên bản chất của sự vật thì nguyên nhân ở đây là do lúc ban đầu bạn coi nó là gì.
Lúc đầu bạn coi cô ta là ca-ve hay sinh viên Đại học.
Lúc đầu bạn coi anh ta là tín đồ hay bợm rượu.
Là người tốt hay người xấu.
Là thức ăn hay phân.
Trong lòng bạn coi cô ta/anh ta/nó là gì, thì sẽ có những chờ trông, mong đợi khác nhau.
Từ đó cho ra những hành vi khác nhau.
Đây chính là Quản Lý Kỳ Vọng.

Vậy nên, một chiếc bát từng đựng “phân theo nghĩa đen” thì chẳng còn được gọi là bát nữa, vì nó đã không đạt được kỳ vọng của chúng ta rồi.
Ruột già từng chứa phân, vẫn có thể gọi là thức ăn, bởi chỉ đơn giản là nó ăn khớp với kỳ vọng “Ruột già heo có thể ăn được” của chúng ta.

Cùng một lý lẽ, tại sao đã học lên đến Thạc sĩ, Tiến sĩ rồi lại nhảy lầu vậy?
Rõ ràng là họ đã vượt qua rất nhiều học viên, sinh viên rồi kia mà, rõ ràng là cho dù họ có kém thế nào đi nữa cũng hơn ối người kia mà.
Chỉ đơn giản là bởi họ chẳng đạt được kỳ vọng thôi. Kỳ vọng của chính họ, khiến họ chẳng thể đón nhận được thực tế.
Họ cảm thấy, thạc sĩ rồi tiến sĩ như một cái bát xịn vậy, ít nhất thì nên đựng ruột già trong đấy.
Cuối cùng lại bởi thế giới ngoài kia là phân, nên chẳng lòng dạ nào nuốt xuống được.

Trong lòng mỗi người đều có một chiếc bát, thứ đựng trong đó có thể là phân, cũng có thể là ruột già.
Nếu sự chờ trông quá khác biệt so với thực tế, shit happens. (Đời người khó tránh khỏi những việc hỏng bét)
Bát sẽ vỡ, người sẽ nhảy lầu.
Quản lý kỳ vọng của chính mình đi, hãy coi phân ấy là ruột già.
Rửa một cái là thấy thoải mái hơn nhiều đấy.

> [+4610 likes] Nếu kỳ vọng mà quản lý dễ thế kia thì thị trường chứng khoán đã chẳng biến động dữ dội rồi.
> [+4365 likes] Ông dám lấy phụ nữ ra làm ví dụ à? Chuẩn bị ăn gạch của mấy mẹ nữ quyền đi.
>> [+314 likes] Ví dụ mà thôi, đừng coi là thật.
>>> [+737 likes] Tôi không coi là thật, chỉ sợ mấy mẹ nữ quyền coi là thật thôi. ?
>> [+949 likes] Nữ quyền trên Zhihu ít lắm, bọn phản nữ quyền mới nhiều. Nhưng nói thật thì nữ quyền hay phản nữ quyền như nhau cả thôi, kẻ nào cũng đáng ghét hết đó.
>> [+1842 likes] Tôi chưa từng gặp nữ quyền trên Zhihu đó, chỉ gặp mấy kẻ đi đâu cũng lôi nữ quyền vào như bạn thôi.
> [+2996 likes] Tôi nể mấy người có văn hoá thiệt luôn á, bàn về cut thôi mà cũng vẽ ra nhiều đạo lý vl.
__________________

3. [+26556 likes]
Chắc chắn một điều rằng lúc idol rồi hot girl các thứ lên sân khấu nhảy mấy điệu xếch xi, trong bụng cũng chứa một lượng phân nhất định, thậm chí còn là phân trữ lâu ngày trong ruột nữa, đây là sự thật khách quan. Nhưng bạn biết đấy, chẳng ai ghê tởm cả.

Khán giả, fans hâm mộ tung tăng reo hò ở đó, dù là nam hay nữ, xấu hay đẹp thì họ cũng có xíu phân trong mình. Nhưng chẳng ai ghét bỏ bản thân cả, cũng sẽ không vì lý do này mà ghét bỏ lẫn nhau.

Chúng ta thử nghĩ xem, phân trong chén cùng phân trong ruột già thì có gì khác nhau nào?
Chỗ khác nhau duy nhất: Phân trong chén, là được ị ra.

Cũng có thể nói, trong ý thức của con người thì ị ra rồi mới gọi là phân.

Chưa ị ra, còn nằm trong ruột, được bao bọc bởi cơ thể căng tràn sức sống, mềm mại, đầy tinh tế của các nam thanh nữ tú, bên ngoài còn phủ thêm một lớp quần áo đẹp đẽ nữa. Chỉ có người ở lò mổ mới nhìn thấy phân trong ruột heo, chạm vào, ngửi được, chúng ta là người ăn, người mua, người chế biến, chúng ta không tiếp xúc với phân.

Theo mặt khách quan thì nó tồn tại đấy, nhưng xét về mặt chủ quan thì không, vậy nên mọi người sẽ không nghĩ rằng nó tồn tại.

Chỉ khi nó được ị ra, thoát ly với hậu môn, trở thành một cá thể tồn tại độc lập, vô tư hiển hiện dưới ánh mặt trời thì nó mới được trao thân phận, trở thành phân.

Cứ như vậy, mặc dù ai cũng ứ phân trong người, nhưng idol vẫn là idol, fans vẫn là fans, ruột vẫn là ruột, ta sẽ chẳng bởi vật ấy, người ấy chứa phân mà ghét bỏ, ghê tởm, đây cũng đồng nghĩa với việc không có phân.

Phân ở trong bát, là được ị ra rồi xúc vào, hoặc có lẽ ị thẳng vào đấy. Đầy đủ mùi, màu sắc, hình dạng, ấy mới là cục phân chân chính, chẳng thể đánh tráo. Lúc này đây, phân mới có thể lưu lại dấu ấn sâu đậm trong đầu của bạn.

Mỗi khi bạn nhìn thấy cái bát này, não của bạn sẽ tự động chiếu lại đoạn phim cũ ấy: “Xanh lè xanh lét? Chắc ăn cải bó xôi. Có hạt dưa đen? Chuẩn ăn dưa hấu rồi. Có vỏ cà chua? Bởi thứ này chẳng tiêu hoá được. Có rau hẹ? Chắc là sủi cảo ngày Tết đây mà. Chắc chắn là rau hẹ này không thể rửa sạch rồi lấy ra ăn được.”

Cuối cùng, điều tôi muốn nói thực ra là cái định nghĩa nằm lòng lúc ôn thi mà ta dần quên lãng:
“Vật chất là cái có trước, ý thức có sau. Vật chất quyết định ý thức, còn ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất vào trong bộ não con người.” – Triết học Marx-Lenin

Edit: Có thím nhắc đến hiệu ứng mỏ neo, tôi thấy cũng đúng. Nhưng nhét nó vào Ask này thì không hợp lắm.

Bởi nếu thuyên chuyển, điều động theo hệ quy chiếu (wiki: Trong cơ học, hệ quy chiếu là một hệ tọa độ, dựa vào đó vị trí của mọi điểm trên các vật thể và vị trí của các vật thể khác được xác định, đồng thời có một đồng hồ đo thời gian để xác định thời điểm của các sự kiện) này thì mọi người phải có nhận thức rõ ràng đối với phân.

Bát phân cùng ruột phân, sáng cùng tối, đối với sự tồn tại của phân trong ruột, đại đa số chúng ta đều là vô ý thức, sẽ không cố suy nghĩ đến phân của idol và phân trong ruột.

Không phải mọi người cố tránh nghĩ suy về chúng, mà nó được quyết định bởi đặc tính riêng của “phân ngoài sáng” và “phân trong tối”:

Dù chúng đều tồn tại một cách khách quan, nhưng một cái quá cụ thể, một cái khác lại quá trừu tượng.

Phân trong tối, nó ẩn nấp cực kỳ, ẩn nấp đến nỗi ảnh hưởng nó mang lại cho ý thức chủ quan của con người vô cùng bé nhỏ, nó cũng không bị đặt trong hệ quy chiếu.

Trên thực tế, chúng ta có thể áp dụng “hiệu ứng phân trong tối” để đóng gói, dán nhãn cho các nhân vật lịch sử, tạo ra người hoàn hảo, perfect man lưu danh thiên cổ. Hoặc có thể che giấu một nhân vật, một chặng đường lịch sử mà bạn không muốn người đời sau biết đến…

Có người bảo đây là Chủ nghĩa duy tâm…
Để ý xíu đi chứ, ý thức của con người bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi vật thể phân kia mà.
Nếu phân trừu tượng hơn chút thì mang lại ảnh hưởng nhỏ bé cho ý thức. Phân cụ thể hơn chút thì sẽ tạo thành ảnh hưởng sâu sắc đối với ý thức.
Đây là vật chất quyết định ý thức.

> [+3645 likes] Lại nhớ câu đố trong vở hát nói của Vu Khiêm: “Nhìn thấy thì ăn không nổi, ăn rồi nhìn không thấy”. Đáp án là Nước mũi nha.
>> [+199 likes] Tôi còn tưởng là cut chứ.
> [+4652 likes] … Cạn lời, giờ tôi nhìn ai cũng nghĩ đến việc trong bụng người ta có phân.
> [+393 likes] Tôi thấy nó mang hàm ý sâu sắc.
>> [+383 likes] Thím lầu 3: Không cần suy nghĩ sâu sắc quá đâu, tôi đang nói về cut thôi ấy mà.
________________

4. [+9672 likes]
Đầu tiên: Hiệu ứng mỏ neo.

Mọi vật đều trái ngược nhau, tốt hay xấu được quyết định bởi hệ quy chiếu. Cao hơn hệ quy chiếu thì là tốt, thấp hơn hệ quy chiếu thì là xấu.

Con người sẽ dựa theo những kinh nghiệm của mình để liên tục đưa ra kết luận về thuộc tính của sự vật. Xem chúng là từng chiếc mỏ neo kiến thức trừu tượng, ta tham khảo mỏ neo ấy khi so sánh sự vật với nhau hoặc quan sát sự biến đổi của sự vật. Tất cả những mỏ neo này vận hành ở tầng dưới cùng của tiềm thức, âm thầm đến nỗi bạn chẳng nhận ra.

Bởi mỏ neo xác định chiếc bát là sạch sẽ, vậy nên đựng phân rồi thì bẩn. Mỏ neo xác định ruột già là chứa phân, vậy nên rửa rồi thì sạch sẽ.

Xét theo tính tuyệt đối, bát đã sửa sạch hay ruột già đã rửa sạch thì cũng như nhau cả thôi, đều rất sạch. Nhưng bởi hiệu ứng mỏ neo, vậy nên trong suy nghĩ của bạn, hai thứ này có sự cách biệt vô cùng to lớn: một cái là mỏ neo trội, một cái là mỏ neo lặn.

Tiếp theo: Tiến trình lịch sử.

Muốn hiểu sâu về hiệu ứng mỏ neo thì phải nói rõ ràng về vấn đề này trên mặt cắt lịch sử.

Chẳng hạn, nuốt đờm xuống cổ không thấy tởm, nhưng phun ra rồi lại nuốt vào lại thấy tởm?

Tại sao bô tiểu cùng ruột ngày nào cũng chứa phân nhưng sau khi rửa sạch rồi ta lại chỉ chấp nhận một thứ, còn thứ kia lại bỏ qua?

Là thế này, cơ chế tạo ra mỏ neo kiến thức của chúng ta thật ra rất phức tạp, quá trình này nào phải sử dụng máy móc độc lập để tiến hành gia công một sự vật cụ thể trong một thời gian được lập trình sẵn, mà tiến trình này còn mang tính lịch sử.

Lấy phân làm ví dụ, phân hình thành trong quá trình cơ thể sản xuất với phân thu hoạch ở ngoài, tuy chúng đều là phân, đều gọi là phân, nhưng bởi nó xuất hiện trong tiến trình lịch sử khác nhau, nên ý nghĩa được nhận định cũng hoàn toàn khác nhau. Nếu ta đặt nó vào cùng một vị thế để thảo luận thì ngay từ lúc bắt đầu, ta đã thay đổi khái niệm của chúng mất rồi còn đâu.

Chú ý: Tiến trình lịch sử ≠ Lịch sử, nó không mang nghĩa chỉ sự vật hình thành ở mốc thời gian khác nhau trên trục thời gian, nó mang nghĩa sự vật xuất hiện trong tiến trình lịch sử khác nhau.

Nơi thả neo của phân đang sản xuất trong cơ thể và phân đã được hình thành khác nhau.
Nhưng nơi thả neo của phân đã hình thành trong ngày hôm nay và phân sẽ hình thành vào ngày mai là giống nhau.

Cũng có thể nói, con người đặt ra điểm phân chia chủ chốt trong quá trình lịch sử tạo ra phân ấy là: Thời khắc phân rời hậu môn.

> [+1755 likes] Người tốt làm việc xấu với Người xấu làm việc tốt.
> [+3165 likes] Cô sinh viên mời rượu lúc nửa đêm với Gái bar chăm chỉ học tập lúc ban ngày.
________________

5. [+2112 likes]
Thứ nhất, tính thay thế: Bạn có thể đổi một cái bát chưa từng đựng phân để ăn cơm, nhưng bạn tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy một đoạn ruột già chưa từng chứa phân để ăn cả. Bạn muốn ăn lòng già thì bắt buộc phải chấp nhận nó từng chứa phân, bát thì chẳng cần.

Thứ hai, hiệu ứng thị giác: Mang cả hai thứ: Ruột già đựng phân phả hơi nóng tanh hôi, máu me bét nhè với Bát đựng phân, rồi đặt trước mặt bạn, bảo đợi xíu nữa rửa sạch rồi cho bạn ăn, thì hầu như chẳng ai chịu nổi cả. Thật ra rất nhiều người trong chúng ta chỉ tiếp xúc những bộ phận sau khi xử lý của thực phẩm thôi, nếu tự làm từ A đến Z thì cũng hơi khó ăn ấy. Hôm bữa tôi phải bóp ruột non cả ngày, sau đó có kho một đĩa ngồi lai rai, thấy nó cứ thoang thoảng mùi tanh, càng nhìn càng thấy giống ruột người, nên đổ đi hết. Mà tôi rửa sạch hơn mấy quán ăn, xe hàng nhiều, nhưng trong đầu cứ quẩn quanh cái hình ảnh cả một thau ruột non tanh sống, từ đó về sau tôi trả việc lại cho mẹ cả đấy, chịu thôi, không làm được. Tôi quả là một thằng con bất hiếu. Nhìn mấy xưởng gia công thực phẩm các thứ rồi thì chán ăn lắm, mà khách hàng chỉ tiếp xúc với ảnh chụp món ăn hấp dẫn sau khi chế biến của Meituan, Ele.me rồi cho rằng cả quy trình chế biến cùng nguyên liệu đều sạch sẽ, đẹp đẽ như hình chứ gì nữa.

Thứ ba, ơ kìa tôi ăn ruột già chứ có ăn bát đâu.
___________________

6. [+1960 likes]
Vế đầu là người tốt làm chuyện xấu, vế sau là người xấu biết quay đầu.

Người tốt làm điều sai trái, hình tượng sẽ sụp đổ. Người xấu biết quay đầu, hấp dẫn vô biên.

Nên tôi mới hay khuyên mọi người, sống giữa trần thế rực rỡ này, thì đừng bao giờ xây dựng hình tượng quá cao, quá tuyệt vời. Xây cao chỉ tổ gây ra tổn thất càng lớn lúc sụp đổ thôi, chỉ cần bạn làm sai một việc thì tất cả công lao, cố gắng phía trước coi như đổ sông đổ biển, ngàn đời cũng chẳng thể rửa trôi bùn lầy.

Như cái bát từng đựng phân một lần kia vậy, trong suốt 99.9637% quãng thời gian của đời mình, nó vẫn luôn là một cái bát sạch. Chỉ bởi vì một lần đựng phân, nó đã chẳng còn cơ hội trở thành một cái bát tốt.

> [+715 likes] Bởi thế mà sao nữ lộ ảnh nóng bị coi là lẳng lơ, trong khi Aoi Sora lại trở thành cô giáo của biết bao thế hệ.
____________

7. [+1402 likes]
Bởi vì bát không ngon.
__________________
Dịch: Linh Lung Tháp
______________
Sưu tầm