Nhiều người Việt sống ở nước ngoài thời gian lâu, khi về Việt Nam, thường có nhận xét: “Ở Việt Nam bây giờ, ít người có văn hóa cảm ơn và xin lỗi.” Một số ít người có nhận xét thấu đáo hơn: “Anh đi ra sống ở nước ngoài, học được văn hóa cảm ơn và xin lỗi.” Dĩ nhiên, mình thích lời nhận xét sau hơn.
Người Việt mình từ xưa đến nay có văn hóa cảm ơn và xin lỗi không?
Khi nói văn hóa, nghĩa là ta nói đến nền tảng, số rất đông người có cùng một tư duy trên cái nền tảng tốt đẹp đó, nó có tính truyền thống, liên tục và được giữ gìn lâu dài thì thành văn hóa.
Nôm na, ông bà cụ kị chúng mình có luôn luôn cảm ơn, xin lỗi nhau và dạy con cái điều đó ở khắp nơi, liên tục trong nhiều thế hệ không?
Tôi nhận thấy, khi ai đó làm cho tôi một điều gì hoặc cho tôi một cái gì nho nhỏ, tôi cảm ơn, tôi thường nhận câu mắng, “Khách sáo quá mạy. Có chút xíu mà mắc gì cảm ơn.” “Anh em mà, đó là việc cần làm, việc gì phải cảm ơn, đừng cảm ơn tao.”
Mẹ tôi bảo tôi bê tô canh qua biếu bà bác, bà vừa đón tô canh vừa la, “Trời ơi, để nhà ăn đi, sao mà bắt con nhỏ bưng tội nghiệp vầy nè.” Rồi bữa sau, có gì ngon bà đem cho nhà tôi, mẹ cảm ơn, bảo tôi cảm ơn, bà bác lại la, “Trời ơi, chị em không, làm gì khách sáo dữ.”
Cả xóm tôi, già trẻ lớn bé khá hiền lành, chất phác, hay giúp nhau, nhưng dù chuyện nhỏ hay lớn thì cũng đều phủi phủi tay la nhau khách sáo khi nghe lời cảm ơn.
Đôi khi, lỡ làm gì có lỗi với nhau, giận hờn vài bữa không nói chuyện, cũng không xin lỗi, mà khi gặp nhau khẽ chào nhau, “Thím Hai, đi chợ ha!” Bà kia đáp lại, “Dạ, em đi đón thằng nhỏ.” Vậy là thay lời xin lỗi rồi đó. Mối quan hệ được thiết lập lại, lỗi đã được xí xóa. Ông Ba làm gì lỗi với ông Tư thì bữa sau gặp, kêu, “Anh Tư, chiều qua nhậu nghen!” Ông Tư, “Ừ ừ, có mồi chưa?” Chừng có ai đó nói ra lời xin lỗi thì cũng bị la, “Thôi, lỗi phải gì, chị em (anh em) không mà.”
Hồn hậu, bao dung, nhưng họ không coi lời cảm ơn và xin lỗi là một văn hóa. Họ coi HÀNH ĐỘNG CẢM ƠN VÀ CHUỘC LỖI là văn hóa. Nên lời nói cảm ơn và xin lỗi bị coi là ngoài miệng, là khách sáo, không thật, không cần thiết, nên rất ít nói với nhau.
Với người ngoài là vậy, trong gia đình, giữa những người thân với nhau ta lại càng ít nói cảm ơn và xin lỗi vì cho rằng đã là người nhà thì càng không cần phải khách sáo. Vợ không cảm ơn chồng khi chồng đưa tiền lương vì nghĩ đó là trách nhiệm của ông chồng. Chồng không cảm ơn vợ khi cô ấy nấu cho mình bữa ăn ngon, chăm sóc con cái, giặt áo cho mình… bởi coi đó là trách nhiệm của vợ.
Người phương Tây coi lời nói thể hiện ý thức trước rồi mới tới hành động tiếp theo. Người Việt coi hành động thể hiện ý thức trước, không đặt nặng về lời nói.
Giữa người Việt và phương Tây có sự khác biệt về tư duy như vậy, nên nói người Việt không có văn hóa cảm ơn và xin lỗi e là chưa được thấu đáo.
Tuy nhiên, trong việc coi hành động thể hiện ý thức, không đặt nặng lời nói cảm ơn và xin lỗi của người Việt có một lỗ hổng rất lớn: Không phải lúc nào ta cũng có thể hành động để thay lời cảm ơn và xin lỗi. Cũng không phải ai cũng đủ điều kiện, cơ hội và dũng cảm để hành động. Và khi không hành động được mà cũng không nói thì người khác không thể hiểu. Nhiều mâu thuẫn nảy sinh chỉ vì không hiểu bụng nhau nghĩ gì khi thiếu vắng lời nói.
Do đó, trong văn hóa cảm ơn và xin lỗi của người phương Tây có tính ưu việt hơn, hoàn thiện hơn so với văn hóa cảm ơn và xin lỗi của người Việt.
Xã hội thay đổi và hội nhập, ta tiếp nhận văn hóa phương Tây, ngày càng nhiều người coi lời nói cảm ơn và xin lỗi là thể hiện văn hóa, nền tảng giáo dục của một người, và đó là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá một xã hội có văn minh hay không.
Như trên tôi đã trình bày, ta thấy sự quan trọng của lời cảm ơn và xin lỗi. Ta có lỗ hỗng trong tư duy, văn hóa cảm ơn và xin lỗi. Hãy sửa nó để trở thành những người có nền tảng giáo duc văn hóa, văn minh.
Trong gia đình, vợ chồng nên cảm ơn nhau vì những điều đã làm cho nhau. Cha mẹ nên cảm ơn con cái khi chúng làm việc gì đó dù nhỏ nhất cho mình như rót cốc nước, quét cái nhà, nói lời yêu thương con yêu mẹ. Khi làm điều có lỗi với nhau cần nói ra lời xin lỗi. Kể cả cha mẹ khi la mắng quát nạt vô lý cũng cần xin lỗi sau đó.
Dạy con nói cảm ơn khi được tặng cho vật gì, khi ai đó làm điều gì cho trẻ hoặc nhận vật gì từ ai, kể cả khi được nhận lời yêu thương tốt đẹp hay dạy bảo từ người khác. Dạy con nói xin lỗi khi làm gì, nói gì chưa đúng.
Điều này trẻ cần được dạy ngay khi mới tập nói và phải được trau dồi liên tục. Điều đó có nghĩa ba mẹ cũng phải học để ý thức về sự làm gương cho con. Bởi trẻ con sẽ bắt chước người lớn trong lời nói và hành động. Ta không thể bắt trẻ có được ý thức biết ơn và hối lỗi thật lòng khi ta không thật lòng trong câu nói cảm ơn và xin lỗi.
Bà hàng xóm cho con cái kẹo, ta dạy con, “Con cảm ơn bà đi.” Trẻ cảm ơn bà. Bà vừa quay lưng đi, ta lại bảo, “Kẹo vớ vẩn, ăn vào tổ đau bụng, vứt đi” và lấy cái kẹo vứt vào sọt rác, đứa trẻ sẽ nhìn thấy gì đây? Nó học được sự cảm ơn giả dối và lòng bội ơn.
Trẻ nói hỗn với người lớn, ta bắt trẻ xin lỗi, trẻ vừa xin lỗi vừa phụng phịu, người ta vừa đi, ta liền dỗ con, “Thôi thôi, con của mẹ ngoan, chú Minh chỉ giỏi bắt nạt con của mẹ thôi. Nào. Mẹ yêu.” Trẻ học được gì? Nó học được cách đổ lỗi cho người khác và coi bản thân không bao giờ có lỗi gì. Hoặc có, chỉ là lỗi rất nhỏ và bị người khác làm quá lên nên người khác mới là người có lỗi.
Dạy con cảm ơn và xin lỗi là dạy lòng biết ơn và hối lỗi, không chỉ dạy con nói như con vẹt. Đây chính là nền tảng gia đình. Khi trẻ lớn, ra xã hội, ứng xử với người, người ta sẽ đánh giá gia đình có nền tảng giáo dục tốt hay không.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả